Làm sao giữ cái đầu lạnh khi thị trường tăng nóng?

Ngày 04 tháng 6 năm 2021

“Mua thấp bán cao” là lời khuyên đầu tư phổ biến trên toàn cầu từ xưa đến nay. Vậy mà ai cũng đang làm điều ngược lại. Nhiều nhà đầu tư mua cao với hy vọng sẽ bán lại cho người khác với giá cao hơn.

Tiền đề trên được đặt ra khi các chỉ số chứng khoán liên tục lập kỷ lục, các loại tiền kỹ thuật số tăng “lên tận đến cung trăng” và giá hàng hóa cũng đang nhảy vọt. Trong bối cảnh đó, cảm xúc tự nhiên sẽ thôi thúc bạn mua chứ không phải bán.

Thậm chí với những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, quyết định bán còn khó hơn mua. Huyền thoại Peter Lynch – cựu quản lý của quỹ Fidelity Magellan – từng thổ lộ sai lầm lớn nhất của ông là bán sai thời điểm.

Điều này phần lớn là do cảm giác FOMO đang nặng trĩu trong lòng. Bán một cổ phiếu chiến thắng quá sớm và bạn sẽ phải đứng bên ngoài thị trường nhìn cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh. Khoản lỗ tối đa nếu tiếp tục nắm giữ sẽ là 100% (tức mất trắng), nhưng mức tăng bị bỏ lỡ nếu bán quá sớm là không giới hạn.

Nếu như bạn định mua một cổ phiếu, nhưng vì một lý do nào đó bạn quyết định không mua và rồi cổ phiếu đó tăng mạnh, chắc hẳn bạn sẽ thấy nuối tiếc. Tuy nhiên, sẽ còn đau lòng hơn nếu quyết định bán ra một cổ phiếu sắp tăng mạnh. Bạn cứ ám ảnh và dằn vặt bản thân với suy nghĩ về chuyện mình sẽ sinh lợi bao nhiêu nếu không bán ra.

Và rồi nỗi đau sẽ gia tăng gấp bội khi thị trường liên tục lập kỷ lục và mọi người xung quanh bạn dường như đang trở nên giàu có nhanh chóng.

Càng không nắm rõ hoạt động kinh doanh của công ty, bạn sẽ càng cảm thấy mù mờ về giá trị của cổ phiếu đó và cũng không biết khi nào nên bán.

Ông Steve Abbett, một nhà đầu tư cá nhân ở khu vực Washington, có cách giải thích như thế này: Một công ty nếu được xem là rẻ ở mức giá A và đắt ở mức giá C. Bài toán lúc này khá đơn giản: Chỉ cần mua ở mức giá A và bán ở mức giá C.

Nhưng mọi chuyện có đơn giản thế đâu. “Phần khó khăn của đầu tư là hầu hết các cổ phiếu đều xoay quanh mức giá B, tức là ở giữa giá rẻ và quá đắt”, ông Abbett nói. Trong vùng xám đó, thật khó để xác định có nên bán hay không. Phạm vi mức giá B thay đổi tùy theo mức độ hiểu về công ty hoặc ngành nghề kinh doanh của công ty. Bạn hiểu càng sâu về hoạt động kinh doanh, phạm vi giá B sẽ càng hẹp; nếu bạn không biết quá nhiều thì phạm vi này sẽ càng rộng và mờ ảo.

Thị trường càng lên cao, giá cổ phiếu dĩ nhiên cũng trở nên đắt hơn. Tuy vậy, ngay cả khi cổ phiếu của bạn đã quá cao, việc so sánh với những cổ phiếu khác có thể khiến giá cổ phiếu của bạn trông có vẻ không quá đắt đỏ. Điều này cũng góp phần đẩy giá cổ phiếu trở lại với vùng xám.