Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đẩy mạnh “gom” hàng, mua ròng hơn 1.000 tỷ từ đầu tháng 4

Ngày 26 tháng 4 năm 2022

Chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 4 đầy tích cực khi chỉ số VN-Index tăng mạnh lên vùng đỉnh lịch sử 1.530 điểm. Những tưởng khởi đầu ngọt ngào của quý mới sẽ giúp thị trường tiếp đà thăng hoa, chinh phục đỉnh cao mới, tuy vậy chuỗi ngày sau đó lại là "ác mộng" với phần lớn nhà đầu tư.

Chỉ số VN-Index liên tiếp giảm mạnh, xuyên thủng hàng loạt ngưỡng hỗ trợ và có thời điểm lùi xuống dưới mốc 1.300 điểm trong phiên 25/4. So với chỉ ít ngày đầu tháng 4, VN-Index đã mất đi gần 250 điểm, đây là kịch bản mà gần như chẳng nhà đầu tư nào có thể nghĩ tới.

Dù chỉ số chỉ giảm khoảng 15% từ đỉnh, tuy nhiên mức "sát thương" là rất lớn khi phần lớn mã trên thị trường đã giảm vài chục phần trăm. Nhà đầu tư chán nản, khóc than, nhiều ngày không dám xem danh mục đầu tư, muốn "gỡ app" là điều không hiếm gặp.


Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đẩy mạnh “gom” hàng, mua ròng hơn 1.000 tỷ từ đầu tháng 4 - Ảnh 1.

VN-Index giảm sâu trong tháng 4/2022

Trong bối cảnh không khí ảm đạm bao trùm thị trường, giao dịch khối ngoại lúc này đang trở thành điểm sáng đáng chú ý. Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết từ đầu tháng 4 tới nay, khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 3.300 tỷ đồng trên HoSE. Đây là điều khá tích cực khi mà trước đó khối ngoại đã bán ròng gần 75.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 – 2021. Chưa dừng lại, trong quý đầu năm 2022, khối ngoại tiếp đà bán ròng thêm hơn 7.000 tỷ đồng.

Nếu loại đi giao dịch thỏa thuận hơn 1.500 tỷ đồng mua MWG ngay khi cổ phiếu này "hở room" thì thực chất khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 1.800 tỷ đồng trong tháng 4. Dù lực mua này chưa đủ giúp thị trường tránh khỏi đà giảm sâu, tuy nhiên việc trở lại mua ròng của khối ngoại sau hơn 2 năm bán ròng cực mạnh đã trở thành điểm tựa cho nhà đầu tư trong nước.

Đà mua ròng của khối ngoại những ngày qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) khi họ thực hiện giao dịch thông qua các quỹ ETF như DCVFM VN30 ETF, DCVFM VNDiamond ETF hay Fubon FTSE Vietnam ETF.

Số liệu thống kê từ đầu tháng 4 cho biết DCVFM VNDiamond ETF đã phát hành ròng 24,1 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 722 tỷ đồng, nâng lượng vốn đổ ròng vào quỹ từ đầu năm tới nay lên hơn 800 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đẩy mạnh “gom” hàng, mua ròng hơn 1.000 tỷ từ đầu tháng 4 - Ảnh 2.

Nhà đầu tư Thái Lan đẩy mạnh mua Diamond ETF thông qua DR niêm yết tại Thái Lan

DCVFM VNDiamond ETF cũng là quỹ ETF hút vốn mạnh nhất thị trường từ đầu năm tới nay. Dòng vốn đổ vào quỹ có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư Thái Lan khi mà mới đây Công ty chứng khoán Bualuang Securities đã phát hành DR Diamond ETF (chứng chỉ lưu ký bảo đảm bằng chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF) và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), giúp nhà đầu tư Thái Lan có thể dễ dàng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thông qua chứng chỉ DCVFM VNDiamond ETF.





Cũng có tín hiệu tích cực, DCVFM VN30 ETF sau giai đoạn bị rút vốn khá mạnh cũng đang hút vốn trở lại trong những ngày gần đây khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu. Tính riêng từ 19-25/4, DCVFM VN30 ETF đã hút ròng khoảng 780 tỷ đồng. Dù vậy, do giai đoạn đầu tháng 4, áp lực rút vốn khỏi quỹ vẫn khá mạnh nên tính chung trong tháng 4, quỹ mới chỉ hút ròng 108 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đẩy mạnh “gom” hàng, mua ròng hơn 1.000 tỷ từ đầu tháng 4 - Ảnh 3.

DCVFM VN30 ETF hút vốn trở lại sau giai đoạn rút vốn liên tiếp

DCVFM VN30 ETF là quỹ được các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan khá ưa chuộng và phần lớn lượng vốn của quỹ đến từ nhà đầu tư 2 quốc gia này. Vào năm 2018, Bualuang Securities đã phát hành DR VN30 ETF niêm yết tại SET và thu hút lượng lớn nhà đầu tư Thái Lan đổ tiền vào chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, quỹ ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Fubon FTSE Vietnam ETF đã hút ròng lượng vốn lên tới gần 16 triệu USD (khoảng 360 tỷ đồng) từ đầu tháng 4 tới nay và toàn bộ đã được giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.

Như vậy, ước tính 3 quỹ ETF lớn nhất thị trường lúc này là DCVFM VN30 ETF, DCVFM VNDiamond ETF và Fubon ETF đã giải ngân thêm khoảng 1.200 tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 4. Phần lớn người mua là nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Với việc khối ngoại đang đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu Việt Nam, cùng mức điều chỉnh khá mạnh đưa P/E VN-Index về khoảng 14.x, chúng ta có thể kỳ vọng xu hướng giảm của thị trường sẽ chững lại và dần trở nên tích cực hơn sau quãng thời gian bất ổn vừa qua.

Theo Trí thức trẻ